Khi về già, nếu như bị căn bệnh “thoái hóa khớp” ghé thăm thì cũng không có gì bất ngờ vì ngày nay, căn bệnh này đã trở nên phổ biến không chỉ ở trong nước mà còn mang tính chất toàn cầu
Mục lục
Nguyên nhân gây ra bệnh thoái hóa khớp?
Bệnh thoái hóa khớp do nhiều nguyên nhân gây nên, trong đó nguyên nhân đầu tiên phải kể đến là yếu tố cơ giới. Yếu tố này thúc đẩy quá trình thoái hóa nhanh, thể hiện ở sự bất thường lực nén trên một đơn vị diện tích của mặt khớp hoặc đĩa đệm. Trong thoái hóa thứ phát thì đây là yếu tố chủ yếu, bao gồm: các dị dạng bẩm sinh hay các biến dạng thứ phát, sự tăng trọng quá tải do nghề nghiệp hay do béo phì. Một nguyên nhân nữa dẫn đến sự thoái hóa khớp là do sự lão hóa. Bên cạnh đó, một số yếu tố khác góp phần gây nên thoái hóa là do di truyền (cơ địa già sớm), do nội tiết (loãng xương do nội tiết, do thuốc, tiểu đường, mãn kinh), do chuyển hóa (bệnh gút). Đa số các trường hợp mắc thoái hóa khớp đều không nhận ra được triệu chứng của bệnh do bệnh tiến triển chậm và khá âm thầm.
Triệu chứng của bệnh thoái hóa khớp
– Độ linh hoạt của khớp bị giảm đáng kể.
– Có gai xương ở giữa hoặc đầu các khớp ngón tay hoặc khớp bàn ngón tay cái.
– Sưng cứng ở khớp, cảm giác rõ nhất sau khi vận động.
– Khó chịu ở khớp, nhất là những khi trái gió trở trời hoặc lúc giao mùa.
– Bệnh nhân có cảm giác đau khớp trong hoặc sau khi vận động mạnh hoặc sau một thời gian không vận động.
Triệu chứng của thoái hóa khớp là đau, nhức các khớp xương
Cách phòng ngừa
Do có rất nhiều yếu tố gây nên bệnh thoái hóa khớp nên không phải lúc nào cũng có thể phòng ngừa được căn bệnh này. Tuy nhiên, bạn có thể áp dụng một số phương pháp để làm giảm nguy cơ mắc bệnh như sau:
– Tránh các vận động khớp quá mức và lặp đi lặp lại.
– Không nên sử dụng quá mức một khớp đã bị đau hoặc bị tổn thương bởi điều này sẽ làm tăng nguy cơ bị thoái hóa khớp đó về sau.
– Giữ cân nặng ở mức vừa phải, tránh tình trạng thừa cân, béo phì. Một số khớp đặc biệt là khớp gối và khớp háng sẽ bị tạo thêm áp lực từ việc thừa cân. Vì vậy, để ngăn ngừa hoặc hạn chế tiến triển của thoái hóa cần duy trì trọng lượng cơ thể ở mức độ thích hợp.
– Tập vận động thường xuyên và vừa sức: đây là yếu tố giúp tăng cường dinh dưỡng cho lớp sụn khớp. Lực đè ép lên khớp xương sẽ giảm nếu cơ bắp khỏe mạnh, đồng thời giảm khả năng té ngã trong sinh hoạt và lao động.
– Giữ tư thế cơ thể luôn thẳng và cân bằng: để bảo vệ các khớp tránh sự đè ép không cân đối.
– Trong mang vác nặng nên sử dụng các khớp lớn và tránh quá sức.
– Giữ nhịp sống thoải mái và thường xuyên thay đổi tư thế.
– Điều trị tích cực các bệnh lý xương khớp mắc phải.
Nên tích cực điều trị thoái hóa khớp trước khi bệnh nặng hơn
Cách điều trị thoái hóa khớp
Việc điều trị thoái hóa bao gồm:
– Điều trị không dùng thuốc: Phát hiện và điều trị sớm các bệnh lý tại hệ thống xương khớp, tránh tăng áp lực cho sụn khớp và đĩa đệm, tránh mang vác vật nặng, tránh thừa cân, béo phì, chế độ ăn uống dinh dưỡng hợp lý, làm việc, tập luyện, vận động vừa sức, tăng cường các kiến thức về sức khỏe xương khớp.
– Điều trị bằng thuốc: Dùng thuốc giảm đau và các thuốc kháng viêm để điều trị chứng đau và viêm. Dùng thuốc có thể cải thiện được tiến triển của bệnh để làm chậm quá trình thoái hóa. Các loại thuốc thường được sử dụng gồm: acid hyaluronic, diacerein, glucosamine sulfate dạng tinh thể,…
– Phẫu thuật: mổ thay khớp nhân tạo khi khớp bị mất chức năng; mổ nội soi để cắt xương, loại bỏ dị vật, sửa trục khớp.
Với những thông tin về bệnh thoái hóa khớp như trên, hy vọng bạn đã có đủ kiến thức hữu ích để phòng và điều trị bệnh một cách hiệu quả nhất.