0865.265.456

Thời điểm giao mùa thời tiết thay đổi thất thường khiến bé rất nhạy cảm và dễ mắc các bệnh như hô hấp, tiêu hóa,… Mẹ hãy cùng tham khảo một số căn bệnh giao mùa ở trẻ nhỏ thường gặp dưới để biết cách phòng ngừa cho bé nhé. 

Bệnh giao mùa ở trẻ nhỏ mẹ nên biết

 

1. Cảm/cúm

Cảm cúm là bệnh giao mùa ở trẻ nhỏ phổ biến nhất. Chúng đều do virut gây ra và có khả năng lây lan qua không khí, tiếp xúc trực tiếp hoặc bằng đường nước bọt.

Phòng bệnh giao mùa ở trẻ nhỏ - bé khỏe mẹ vui hình 1
Lúc giao mùa bé rất dễ mắc bệnh cúm

Biểu hiện của bé khi bị cảm thường là bị nghẹt mũi, chảy nước mũi, đau đầu, mệt mỏi, ho kèm sưng họng. Bệnh cúm thường có triệu chứng sốt, chảy nước mũi, nghẹt mũi, đau các cơ, ho khan, đau đầu và mệt mỏi…Trong trường hợp bé kèm theo sốt cao thì ba mẹ cần đưa bé đến khám bác sĩ để tránh trường hợp gây biến chứng.

 

Phòng tránh cảm cúm ở trẻ nhỏ

  • Để phòng tránh cảm cúm ở trẻ nhỏ lúc giao mùa, ba mẹ cần nhớ giữ ấm cho trẻ. Đặc biệt  cần chú ý phần cổ, tay và chân.
  • Nên khuyến khích trẻ tham gia các hoạt động thể thao, hoạt động ngoài trời để có cơ hội hít thở không khí trong lành và tăng cường trao đổi chất.
  • Giữ không khí trong nhà luôn thoáng mát, sạch sẽ tránh ẩm mốc.
  • Đối với trẻ những tháng đầu đời thì hãy cho con bú sữa mẹ. Trẻ bắt đầu ăn dặm được thì nên bổ sung nhiều rau, hoa quả và cho trẻ ăn chín.
  • Chú ý tới giấc ngủ của trẻ. Đảm bảo trẻ được ngủ trong môi trường thoáng gió và thoải mái.

 

2. Viêm họng

Là một căn bệnh phổ biến, viêm họng không chỉ xảy ra ở trẻ em mà cả người lớn. Nguyên nhân có thể là do siêu vi hoặc vi khuẩn. Trong đó, phần lớn viêm họng ở trẻ em là do liên cầu khuẩn (Streptococcus) gây ra.

Phòng bệnh giao mùa ở trẻ nhỏ - bé khỏe mẹ vui hình 2
Phòng tránh viêm họng cho bé lúc giao mùa

Khi bị viêm họng, bé thường thấy rát họng, nuốt đau, sốt, chảy mũi, có thể kèm ho, đau tai…

Bệnh viêm họng thường không cần dùng thuốc; hệ miễn dịch của bé có thể tự “chiến đấu” với vi khuẩn gây bệnh trong vòng vài ngày đến một tuần. Trong thời gian viêm họng, thực đơn của bé nên bao gồm những thức ăn mềm và dễ tiêu hoá.

 

Tuy nhiên, khi mẹ thấy cổ họng bé sưng tấy bất thường hoặc sốt cao, thở dốc, chảy nước dãi thì cần đi khám bác sĩ ngay.

Ngoài ra, mẹ lưu ý nếu dùng thuốc theo đơn bác sĩ thì cần tuân thủ nghiêm ngặt, không tự ý ngưng dùng thuốc giữa chừng ngay cả khi bé đã có vẻ khỏi, bởi vì vi khuẩn có thể tấn công lại khiến bệnh trầm trọng hơn hoặc có thể gây ra tình trạng kháng thuốc.

 

Phòng bệnh viêm họng ở trẻ nhỏ

  • Mặc quần áo cho bé vừa đủ ấm, không quá dày để tránh mồ hôi thấm ngược vào trong gây viêm họng;
  • Không tắm ngay cho bé sau khi vận động hoặc ra nhiều mồ hôi;
  • Nếu để bé ở nơi có điều hòa nhiệt độ, nên duy trì ở mức 24-26 độ C, không đặt bé nằm ở nơi có luồng gió trực tiếp và thường xuyên vệ sinh máy điều hoà.
  • Hạn chế cho bé ăn kem, đá lạnh hoặc uống nước đá thường xuyên tránh ảnh hưởng tới cổ họng của bé.

 

3. Tiêu chảy

Tiêu chảy là bệnh phổ biến ở trẻ nhỏ. Đặc biệt vào giai đoạn giao mùa, lúc này là điều kiện vô cùng thuận lợi cho virut gây bệnh phát triển.

Virut Rota là virut gây tiêu chảy ở trẻ nhỏ. Thời gian ủ bệnh là khoảng từ 1-3 ngày. Sau đó, bé sẽ có biểu hiện đi phân lỏng, thậm chí mất nước. Việc mất nước sẽ khiến bé mệt mỏi, kiệt sức, thậm chí sẽ gây tử vong nếu bé không được bù nước kịp thời.

Điều trị bệnh tiêu chảy là phòng mất nước, bù nước và muối nếu trẻ đã mất nước. Cho trẻ uống thêm nhiều nước chín, nước khoáng, nước dừa tươi để phòng mất nước. Lưu ý là tránh dùng các loại nước giải khát công nghiệp có nhiều đường, quá ngọt sẽ không tốt cho đường tiêu hóa của bé.

Những bé bị tiêu chảy nhưng chưa mất nước có thể điều trị tại nhà và tái khám theo chỉ dẫn của bác sĩ.

Phòng bệnh giao mùa ở trẻ nhỏ - bé khỏe mẹ vui
Tiêu chảy là chứng bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ

Nếu ba mẹ thấy bé có những triệu chứng: sốt cao liên tục, co giật (làm kinh), nôn ói nhiều, không ăn uống được, chướng bụng, tiêu phân có máu, thì nên đưa trẻ tái khám ngay để tránh tình trạng bé bị nặng hơn.

 

Phòng bệnh tiêu chảy ở trẻ nhỏ lúc giao mùa

  • Giữ vệ sinh cho bé và cả những thứ xung quanh bé
  • Bắt buộc phải cho bé ăn theo quy tắc ăn chín uống sôi và đảm bảo vệ sinh dụng cụ nấu ăn
  • Trẻ nhỏ nên được bú hoàn toàn sữa mẹ trong 6 tháng đầu
  • Bổ sung cho trẻ Vitamin C có trong các loại hoa quả như cam, xoài,…
  • Khuyến khích trẻ lớn tham gia các hoạt động thể thao để tăng sức đề kháng

 

Hy vọng, với những chia sẻ trên đây về phòng bệnh giao mùa ở trẻ nhỏ sẽ phần nào giúp các mẹ bớt lo lắng hơn mỗi khi giao mùa. Đừng quên chia sẻ với bạn bè và người xung quanh cùng biết nhé!

 

-Nhóm biên tập Sống mạnh khỏe-

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *